Xi măng là gì? Thành phần và phân loại xi măng
Xi măng dạng bột mịn.
Xi măng là gì?
Có rất nhiều khái niệm về xi măng, và đây là khái niệm tổng quát nhất. Xi măng là loại vật liệu kết dính thủy lực ở dạng bột mịn hỗn hợp, có màu đen xám, khi nhào trộn với nước sẽ tạo thành hỗn hợp dẻo và dưới tác dụng của các quá trình hóa lý nó sẽ trở nên đặc sệt lại rồi chuyển sang trạng thái rắn chắc như đá.
Thành phần xi măng
Thành phần là yếu tố cốt lõi quyết định đến chất lượng của xi măng và để trả lời cho câu hỏi "xi măng được làm từ gì?" thì ta sẽ tìm hiểu những thành phần tạo nên xi măng:
- Thành phần chính: là Clinker được tạo ra từ quá trình nung và làm mát hỗn hợp đá vôi tự nhiên và đất sét tự nhiên theo hệ số các modun phù hợp, từ đó tạo ra các thành phần khoáng theo mong muốn cụ thể.cùng một số chất khác được trộn chung theo một tỷ lệ nhất định và được nghiền mịn để tạo ra xi măng.
- Thành phần phụ: là thạch cao và một số phụ gia khác tùy vào chủng loại và công dụng mà được thêm vào để tăng độ rắn chắc và đảm bảo độ kết dính.
Thành phần tạo nên xi măng.
Phân loại xi măng
Loại xi măng được sử dụng phổ biến nhất trên toàn thế giới và là thành phần cơ bản của bê tông, vữa, hồ là xi măng Portland (hay còn gọi Pooclăng).
1. Dựa vào thành phần cốt liệu và phụ gia trong quá trình sản xuất và nhu cầu của khách hàng mà xi măng được phân thành 2 loại là xi măng Portland PC và xi măng Portland hỗn hợp PCB.
- Xi măng Portland PC: có thành phần chủ yếu là clinker chiếm tỉ lệ 95 đến 96% và thạch cao chiếm tỉ lệ 4 đến 5%, được sử dụng nhiều trong các công trình thông thường lẫn công trình đòi hỏi tính chịu lực cao như trụ cầu, dầm cầu, nhà cao tầng, đường giao thông...
- Xi măng Portland hỗ hợp PCB: được sản xuất từ việc nghiền hỗn hợp clinker, thạch cao và các phụ gia khác. Tuy nhiên lượng phụ gia bao gồm cả thạch cao phải không vượt quá 40% mới được xem là đúng theo quy chuẩn. Xi măng portland hỗn hợp PCB được sử dụng trong các công trình lớn, các tòa nhà cao tầng, các công trình xây dựng đòi hỏi cường độ chịu lực cao và các công trình thi công gần biển...
Xi măng được phân thành nhiều loại.
2. Dựa vào ứng dụng xi măng thì xi măng được chia thành ba loại như sau:
- Xi măng chuyên dùng để trộn bê tông là những loại xi măng có mác từ 40 trở lên, loại này có giá thành cao chủ yếu được sử dụng trong các nhà máy chế tạo bê tông tươi.
- Xi măng đa dụng là loại xi măng phổ biến mà ta thường thấy trong hầu hết các công trình xây dựng, nhà dân dùng để trộn bê tông, xây tô,... có giá thành tương đối rẻ.
- Xi măng xây, tô, chỉ chuyên dùng cho mục đích xây tô có mác 30 trở xuống, loại này có giá thành thấp nhất.
Tính chất và ứng dụng của xi măng trong đời sống
Ứng dụng của xi măng
Theo như cách phân loại xi măng đã phần nào giúp trả lời cho câu hỏi "xi măng sử dụng để làm gì?". Như vậy chỉ cần hiểu nôm na về ứng dụng của xi măng đó là: Vật liệu được sử dụng rất rộng rãi do ưu điểm thi công đơn giản, nguyên vật liệu có sẵn, có tính chất cơ học tốt, độ bền và tuổi thọ cao. Trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, xi măng chính là loại vật liệu chính để xây cầu, nhà, kênh, cống, đường bê tông,... Và một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác.
Xây dựng nhà cửa, các công trình dân dụng.
Làm đường bê tông.
Tính chất của xi măng
Nhắc tới xi măng người ta sẽ thường nhớ tới một số tính chất sau:
- Xi măng là loại vật liệu chứa nhiều thành phần khoáng, từ đó đánh giá sơ bộ được tính chất của loại xi măng.
- Xi măng có độ mịn cao.
- Khối lượng riêng nhẹ, 3.05 – 3.15 g/cm3
- Lượng nước tiêu chuẩn phụ thuộc vào thành phần khoáng vật có trong xi măng, độ mịn,…để tạo ra hồ xi măng đạt yêu cầu
- Thời gian ninh kết của xi măng được xác định bằng dụng cụ Vicat
- Thể tích của xi măng thay đổi do sự trao đổi nước của hồ xi măng và môi trường
- Khoáng vật, độ mịn và hàm lượng thạch cao quyết định tới lượng nhiệt phát ra khi xi măng rắn chắc
- Cường độ và Mác xi măng được xác định bằng cường độ chịu uốn theo TCVN 4032:1985
Như vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong về khái niệm, phân loại, tính chất và ứng dụng của xi măng đối với đời sống con người. Từ đó có thể chọn ra loại xi măng phù hợp với nhu cầu và mục đích sử dụng.
Độ dẻo, bám, dính khi thi công.